Nước lớn (cường quốc) là khái niệm dùng để chỉ những quốc gia có diện tích rộng, dân số đông và có nguồn lực phát triển vượt trội so với nhiều nước khác. Đó là nước có tiềm lực, sức mạnh và ảnh hưởng vượt trội về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế và văn hóa, có khả năng tạo ảnh hưởng, chi phối và định hình chính sách và hành vi của các quốc gia khác trên thế giới cũng như chi phối sự vận động của hệ thống quan hệ quốc tế, của các xu thế quốc tế và việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.
Nâng đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta đã đạt "nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với tập thể Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong chỉ đạo các vấn đề đối ngoại quan trọng, xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại, đánh giá, dự báo sát và đúng tình hình, "biết mình, biết người", "biết thời, biết thế", để linh hoạt "biết cương, biết nhu", "biết tiến, biết thoái" trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.
Một trong những "di sản" đối ngoại mang dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là việc chúng ta không chỉ giữ vững "trong ấm, ngoài êm" để phát triển đất nước trong bối cảnh quốc tế đang trải qua những biến động lớn, rất phức tạp, mà còn nâng lên tầm cao mới với chất lượng mới, nội hàm chiến lược mới, độ tin cậy chính trị cao hơn và hợp tác thực chất, hiệu quả hơn trong quan hệ với các nước láng giềng, các cường quốc hàng đầu, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống cũng như uy tín, vị thế mới của Việt Nam trên cả bình diện song phương và đa phương. Những thành tựu này đã góp phần khẳng định "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Trực tiếp tham gia các hoạt động đối ngoại cấp cao của Đảng, Nhà nước ta, Tổng Bí thư luôn để lại cho các đối tác, bạn bè quốc tế ấn tượng tốt đẹp về một nước Việt Nam phát triển năng động, giàu văn hiến, hòa hiếu, đề cao chính nghĩa, lẽ phải, tôn trọng luật pháp quốc tế, ứng xử có lý, có tình, là bạn bè thủy chung, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; về hình ảnh một nhà lãnh đạo có uy tín lớn, có tầm nhìn xa trông rộng, tư duy sắc bén, ứng xử mẫu mực, tinh tế, chân thành, gần gũi và giản dị.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn
Thế kỷ XXI đang chứng kiến nhiều biến động phức tạp, khó lường với những cơ hội và thách thức mới. Xu hướng toàn cầu hóa ngày càng phát triển và tác động sâu rộng tới tất cả các nước. Nhiều vấn đề mới nảy sinh mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết được, các cuộc xung đột vũ trang, tôn giáo, chiến tranh cục bộ, ô nhiễm môi trường, khủng bố... xảy ra ở nhiều nơi với tính chất và hình thức ngày càng phức tạp. Điều đó đòi hỏi sự thay đổi, linh hoạt trong chính sách ngoại giao của các nước.
Trong những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến những điều chỉnh đáng kể trong quan hệ ngoại giao của các nước. Những chính sách mới đó đã tác động đến toàn bộ nền kinh tế, chính trị thế giới, trong đó có Việt Nam. Xu hướng toàn cầu hóa mở ra những cơ hội to lớn nhưng cũng chứa đựng rất nhiều thách thức. Lịch sử hơn nửa thế kỷ qua cho thấy chính sách ngoại giao của các nước trên thế giới luôn có ảnh hưởng (hoặc tích cực, hoặc tiêu cực) đến đời sống chính trị, kinh tế - xã hội Việt Nam. Do đó, việc tìm hiểu, nghiên cứu chính sách đối ngoại của các nước lớn - từ quá trình hình thành, phát triển, bản chất, đến những nội dung cơ bản và sự thay đổi điều chỉnh trong giai đoạn hiện nay là điều tất yếu. Xuất phát từ nhu cầu đó, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật trân trọng giới thiệu với độc giả cuốn sách “Chính sách đối ngoại của các nước lớn trong giai đoạn hiện nay” do PGS.TS. Nguyễn Thị Quế làm chủ biên.
“Chính sách đối ngoại của các nước lớn trong giai đoạn hiện nay” trình bày những nội dung khái quát nhất trong chính sách đối ngoại của một số nước lớn trên thế giới và quan hệ của các nước đó với Việt Nam; tiêu biểu là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp, Vương quốc Anh, Cộng hòa Liên bang Đức, Nhật Bản, Cộng hòa Ấn Độ và Liên minh Châu Âu. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ sau Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay có nhiều diễn biến phức tạp, vì mục tiêu xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Việt Nam cần phải nắm vững các chính sách đối ngoại của các nước lớn. Ngoại giao không chỉ giúp phát huy “sức mạnh mềm” của đất nước mà còn có vai trò góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cục diện chính trị thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, quan hệ quốc tế có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Hiện nay, các nước không còn duy trì các chính sách ngoại giao cứng nhắc, “một chiều” mà tập hợp lực lượng cơ động, linh hoạt tùy theo vấn đề, thời điểm khu vực trên cơ sở lợi ích quốc gia dân tộc của mình. Các nước lớn vẫn luôn duy trì trạng thái "vừa hợp tác vừa cạnh tranh" theo phương châm: đấu tranh nhưng tránh xung đột, đối đầu trực tiếp, hòa hoãn nhưng tránh sa vào liên minh chống nước khác, xu thế đa phương ngày càng nở rộ với hàng trăm sự tập hợp khu vực, liên khu vực, toàn cầu. Các nước lớn như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ, Vương quốc Anh... đều đã có những sự điều chỉnh chính sách đối ngoại nhằm thực hiện mục tiêu riêng của mình trong cục diện chính trị những năm đầu thế kỷ 21.
Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ, tác động sâu rộng của xu hướng toàn cầu hóa và sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, tính chất và nội dung giao lưu quốc tế cũng có những thay đổi cơ bản. Theo cuốn sách “Chính sách đối ngoại của các nước lớn trong giai đoạn hiện nay”, trong những năm gần đây sự thay đổi đáng kể về so sánh lực lượng giữa các nước lớn khiến Mỹ tuy vẫn theo đuổi mục tiêu duy trì vị trí siêu cường và chi phối tình hình quốc tế nhưng cũng phải thỏa hiệp nhiều hơn. Xu hướng đa phương, nhất là trong quan hệ với các nước lớn, kết hợp với việc lôi kéo các cơ chế quốc tế vào việc giải quyết các vấn đề nóng trên thế giới nhưng vẫn cam kết “sử dụng vũ lực, đơn phương nếu cần thiết” là cách hành xử được ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay.
Còn đồng minh thân cận của Mỹ, Nhật Bản tiếp tục cải cách kinh tế, nỗ lực nâng cao vị thế trên trường quốc tế kể cả về chính trị và an ninh. Mặc dù vẫn lấy quan hệ Nhật - Mỹ làm nền tảng trong chính sách đối ngoại, song nước Nhật cũng tăng cường “Trở lại châu Á”, tích cực tham gia các định chế toàn cầu để qua đó xác lập vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế. Tương tự như Nhật Bản, Ấn Độ cũng đẩy mạnh cải cách và phát triển kinh tế, điều chỉnh lại quan hệ với Mỹ. Các nhà chính trị Ấn Độ xác định động lực cơ bản của các chính sách đối ngoại là thúc đẩy lợi ích quốc gia, đóng góp cho hòa bình, an ninh và hợp tác với tất cả các nước.
Bên cạnh đó, một chiều hướng hoàn toàn mới là sự vươn lên của Trung Quốc với sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự không ngừng gia tăng. Trung Quốc đã và đang thực hiện mục tiêu phát huy ảnh hưởng quốc tế của mình; đóng vai trò lãnh đạo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dường và trên thế giới trong tương lai không xa. Tuy tích cực phát triển ngoại giao đa phương và xây dựng hình tượng “nước lớn có trách nhiệm” nhưng Trung Quốc luôn đặt chủ quyền và lợi ích quốc gia lên vị trí số một, tuân thủ chính sách không liên minh.
Nắm bắt xu hướng toàn cầu hóa trong giai đoạn hiện nay, nước Nga cũng tập trung ổn định tình hình trong nước, phát triển kinh tế, thực hiện chính sách đối ngoại thực dụng trên nhiều hướng với nhiều đối tượng, nhất là với các nước lớn. Đồng thời Nga kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích sống còn ở không gian Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Đây là yếu tố quan trọng giúp Nga tạo đối trọng với Mỹ và Liên minh châu Âu.
Mặt khác, theo nhận định của các tác giả trong cuốn sách “Chính sách đối ngoại của các nước lớn trong giai đoạn hiện nay”, Liên minh Châu Âu cũng chú trọng vào các vấn đề mở rộng và thống nhất nội bộ, theo đuổi chủ nghĩa đa phương, tăng cường quan hệ với các nước lớn. Đồng thời các nước Pháp, Anh, Đức trong Liên minh châu Âu đã có những thay đổi cơ bản trong chính sách đối ngoại để phù hợp với tình hình mới. Nhưng nhìn chung, các nước này đều theo đuổi mục tiêu đảm bảo an ninh quốc gia, tiếp tục phát triển, kế thừa những quan điểm của chính sách đối ngoại trong giai đoạn trước trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, hạn chế vũ trang.
Cùng với việc phân tích sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của các nước lớn, cuốn sách “Chính sách đối ngoại của các nước lớn trong giai đoạn hiện nay”, cũng chỉ ra mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước này. Việt Nam đang từng bước thiết lập và hoàn thiện các khuôn khổ hợp tác mang tính chất chiến lược với các nước lớn trên thế giới, đồng thời đưa quan hệ với các nước lớn, các trung tâm kinh tế - chính trị trên thế giới đi vào chiều sâu.
Nước ta ngày càng chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, thiết lập quan hệ ngoại giao với 177 nước, trong đó bao gồm tất cả các nước lớn; có quan hệ thương mại với hơn 220 nước và vùng lãnh thổ; là thành viên chính thức của tất cả các tổ chức quốc tế lớn, các tổ chức và định chế thương mại, tài chính chủ chốt ở khu vực cũng như trên thế giới. Đảng ta cũng luôn xác định một cách nhất quán nhiệm vụ đối ngoại cơ bản trong suốt thời kỳ đổi mới: Chú trọng hợp tác khu vực, đồng thời mở rộng quan hệ với tất cả các nước, trong đó đặt cao quan hệ với các nước lớn; chủ động tham gia các tổ chức đa phương trong khu vực và toàn cầu.
Nhìn chung, sự đổi mới trong tư duy đối ngoại của Đảng trên cơ sở vận dụng nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đã mở ra khả năng nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa lợi ích dân tộc và nghĩa vụ quốc tế, giữa an ninh và phát triển, giữa hợp tác và đấu tranh nhằm thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.